Công tác xã hội ngành nghề của tương lai nhu cầu nhân lực lớn
Kết quả điều tra về nhu cầu đào tạo của cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại TPHCM tiến hành trên 4.170 người cho thấy chỉ có 1.037 người (chiếm 24,86%) được đào tạo dài hạn về chuyên môn nghiệp vụ nghề công tác xã hội. Cũng theo khảo sát, hiện có 2.425 người có nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ dài hạn về nghề trong tương lai.
Cầm trên tay những đồ chơi dành cho trẻ em, Tăng Huỳnh Yến Phượng vừa pha trò vừa giúp cho các em khuyết tật tại mái ấm Thiên Phước cùng tham gia trò chơi. Những cánh tay giơ lên không vững đã được cô hỗ trợ để kết nối lại với nhau. Tất cả tạo nên một vòng tròn để cùng lắc lư theo điệu nhạc.
Nghề vất vả
Là thành viên của Tổ chức Helping Hand Saigon, Yến Phượng đã tham gia nhiều hoạt động xã hội dành cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài các chương trình từ thiện, ngày hội vui chơi dành cho trẻ khuyết tật ở các nhà mở, mái ấm, cô còn cùng các thành viên tổ chức những chương trình bán sách gây quỹ từ thiện. Yến Phượng cho biết: “Trước đây, tôi nghĩ công việc này rất dễ nhưng khi bắt tay vào việc tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Tôi phải học nhiều thứ từ các em như ngôn ngữ của những người câm điếc, thích nghi với đời sống của những trẻ em bị khuyết tật, bại não… Dù chỉ là cộng tác viên nhưng qua công việc, tôi thấy mình trưởng thành hơn”.
Nhiều năm gắn bó với hoạt động hỗ trợ và tạo việc làm cho người tàn tật, ông Mã Hoàng Lê, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM, cũng có nhiều kỷ niệm với nghề. Ông cho rằng: “Hầu hết học viên đến với trung tâm đều có những dị tật khác nhau. Để giúp họ hội nhập với cộng đồng, có được một nghề mưu sinh, chúng tôi phải đưa ra phương pháp dạy phù hợp, từ thiết bị dạy học đến chương trình đào tạo”.
Chỉ 25% nhân lực được đào tạo dài hạn
Mới đây, tại hội nghị triển khai đề án “Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa, không chỉ đề cập sự liên kết thương mại mà còn cả hoạt động xã hội. Do đó, để thực hiện hội nhập kinh tế, đòi hỏi phải phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại TPHCM nói riêng.
Theo ghi nhận của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, hiện TPHCM có khoảng 400.000 người cao tuổi, 44.352 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khoảng 130.000 hộ gia đình nghèo, gần 10.000 người nghiện, 2.000 người bán dâm và khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách Nhà nước. Ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho rằng hiện nay, đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội chỉ có trên 5.000 người, bao gồm 2.000 người làm việc trong các cơ sở xã hội, trung tâm cai nghiện và 1.000 người là cán bộ phòng LĐ-TB-XH.
Kết quả điều tra về nhu cầu đào tạo của cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại TPHCM tiến hành trên 4.170 người cho thấy chỉ có 1.037 người (chiếm 24,86%) được đào tạo dài hạn về chuyên môn nghiệp vụ nghề công tác xã hội. Cũng theo khảo sát, hiện có 2.425 người có nhu cầu bồi dưỡng nghiệp vụ dài hạn về nghề trong tương lai.
Nên xem đây là một nghề thực sự
Theo ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng Phòng Trung học Chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TPHCM: Hầu hết các nước trên thế giới đều có trường, khoa công tác xã hội. Riêng công tác xã hội học đường không phải là một khái niệm mới mẻ. Có thể nói, công tác xã hội học đường liên quan đến những vấn đề như học sinh bỏ học, bạo lực học đường để giúp học sinh thoát khỏi những tổn thương mối quan hệ gia đình, ngăn ngừa học sinh bị gạt ra khỏi lớp. “Qua những đánh giá trên, có thể nhận thấy công tác xã hội là một hoạt động rất cần thiết, hỗ trợ hiệu quả cho nhà trường xây dựng một môi trường học tập và rèn luyện tích cực, lành mạnh cho học sinh”- ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Lê Chu Giang nhấn mạnh: Chính vai trò quan trọng của nghề nên trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức của xã hội về nghề, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội. Dự kiến giai đoạn 2011-2025, đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội của cả nước tăng 10%; trong đó 50% được tập huấn kỹ năng. Riêng giai đoạn 2015-2020, tiếp tục phát triển 10% cán bộ nhân viên của ngành và tập huấn kỹ năng cho 30% cán bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐ-TB-XH, đến nay, cả nước đã có 10 tỉnh, thành có trung tâm công tác xã hội. Sắp tới, TPHCM cũng sẽ hình thành Trung tâm Công tác xã hội trợ giúp người khó khăn, người nghèo, khuyết tật. Trong tương lai gần, sẽ có 40 tỉnh, thành triển khai phát triển nghề công tác xã hội.
Leave a Reply