Những lỗi khiến hồ sơ xin việc bị ném thằng vào “thùng rác”
Vấn đề không nằm ở độ dài mà là nội dung bạn viết gì. Nếu hồ sơ dài nhưng “đáng đọc” thì nó sẽ khiến NTD hài lòng hơn về bạn.
Ứng viên nên đọc kỹ bản mô tả công việc, những yêu cầu cần có cho từng vị trí ứng tuyển từ đó xây dựng hồ sơ phù hợp với từng công ty
Mỗi vị trí ứng tuyển thường có số lượng ứng viên từ vài chục đến vài trăm trong khi nhà tuyển dụng (NTD) chỉ có vài giây lướt qua mỗi bộ hồ sơ để quyết định ứng viên đó có lọt tiếp vào vòng trong hay không. Do đó, để có cơ hội đi tiếp, bạn cần tránh những lỗi then chốt sau đây.
Thiếu vị trí ứng tuyển
Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn thường yêu cầu ứng viên khi nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua trực tuyến: “Ghi rõ vị trí ứng tuyển”. Tuy nhiên, đôi khi các bạn ứng viên lại quên. Cần lưu ý, nếu hồ sơ tìm việc của bạn không có vị trí ứng tuyển thì bạn đừng nghĩ đến việc NTD sẽ thông cảm và mở hồ sơ ra xem bạn phù hợp với vị trí nào. Khi NTD xem hồ sơ của bạn, họ cũng phải kiểm tra hàng trăm hồ sơ tìm việc khác cho hàng loạt vị trí tuyển dụng khác nhau. Do đó, NTD sẽ không có đủ thời gian để giúp bạn tìm vị trí ứng tuyển.
Khi viết hồ sơ tìm việc, ứng viên phải chú ý những lỗi thông thường như lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, trình bày rối rắm… Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Hồ sơ “điền vào chỗ trống”
Đây là lỗi mà các ứng viên thường gặp. Các bạn chỉ tạo một hồ sơ duy nhất, thay tên công ty, thay vị trí ứng tuyển gửi một cách máy móc. Đôi khi việc thay thế xảy ra sự cố: Đầu thư gửi công ty A nhưng cuối thư lại là công ty B.
NTD muốn nhìn thấy sự trân trọng và tâm huyết của bạn đối với vị trí đang ứng tuyển chứ không muốn nhận một bộ hồ sơ được rải theo dạng “may – rủi”. Do đó, hãy đọc kỹ mô tả công việc, những yêu cầu cần có cho vị trí ứng tuyển; xây dựng bộ hồ sơ phù hợp với từng công ty. Hãy cố gắng hết sức có thể để nắm chắc cơ hội tìm được việc làm tốt.
Ứng tuyển vị trí không phù hợp
Có thể NTD đưa ra 5 tiêu chí tuyển dụng nhưng bạn đáp ứng được 4 tiêu chí. Bạn vẫn gửi “thử” xem mình có may mắn hay không. Thật ra, khi NTD đã đưa ra yêu cầu thì đó là tiêu chí đầu tiên để sàng lọc hồ sơ và ứng viên không được thiếu bất cứ tiêu chí nào. Nếu ứng tuyển theo dạng này thì dù 10 hay 20 hồ sơ được gửi đi bạn cũng không được nơi nào chọn.
Hãy tìm NTD phù hợp với năng lực, tránh tình trạng ứng tuyển những vị trí không phù hợp vì việc này dễ khiến bạn mang tâm lý chán nản khi tìm việc sau này.
Có thể bạn không tin nhưng vẫn có một số ứng viên sử dụng ảnh trong trang phục thiếu chuyên nghiệp khi gửi ảnh đính kèm trong hồ sơ: ảnh quá cũ, trang phục không phù hợp hay không có ảnh đại diện.
Đối với một số đơn vị, ảnh đại diện của ứng viên rất quan trọng, ở đây không đề cập những vị trí yêu cầu ngoại hình. Bạn chỉ cần gửi hồ sơ với ảnh chụp trong thời gian 6 tháng, trang phục lịch sự để thể hiện sự tôn trọng NTD. Khác với các giấy tờ thủ tục hành chính, NTD cũng không quá khắt khe khi bạn nở một nụ cười tươi, đặc biệt là các bạn nữ.
Nội dung bị lỗi
Đây là lỗi mà các bạn cần lưu ý: lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, trình bày rối rắm, sắp xếp thông tin không theo trình tự, hồ sơ quá dài, không để thông tin liên hệ.
Một hồ sơ lý tưởng cần cung cấp đầy đủ thông tin và đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Vấn đề không nằm ở độ dài mà là nội dung bạn viết gì. Nếu hồ sơ dài nhưng “đáng đọc” thì nó sẽ khiến NTD hài lòng hơn về bạn.
Để hồ sơ tìm việc được NTD chú ý
Để tìm được công việc phù hợp thì mục tiêu đầu tiên là phải làm sao để hồ sơ của bạn được để ý và được đọc qua. Hãy cẩn thận để tránh những lỗi cơ bản này, hãy thể hiện bản thân một cách tốt nhất để NTD nhấc điện thoại gọi ngay cho bạn.
Leave a Reply